Giao mùa là thời điểm thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy việc trang bị cho mình kiến thức về những căn bệnh thường gặp khi giao mùa dưới đây là cực kỳ thiết yếu để giúp bạn có cách phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình hiệu quả.
Mục Lục
Những bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa
1. Bệnh Cảm cúm
Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu sẽ khiến bạn rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào khoảng mùa thu – đông, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô là tác nhân khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây cũng là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và từ đó làm cảm cúm dễ xảy ra. Một số hiện tượng thường gặp khi bị cảm cúm bao gồm: chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì hơi nhiều và liên tục, đau đầu chóng mặt…
2. Viêm phổi
Khí hậu hanh khô khi chuyển thu hay lạnh giá vào mùa đông, phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Khi phổi bị viêm, các phế nang bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là vùng não bị thiếu dưỡng khí. Bệnh viêm phổi vẫn có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong. Những triệu chứng hay gặp nhất là bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, dấu hiệu ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. Bên cạnh đó có thể có hiện tượng tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh…
3. Đau mắt đỏ
Vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi. Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt: mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.
4. Dị ứng da
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Biểu hiện bệnh thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu… Lưu ý rằng nếu chưa tìm rõ nguyên nhân dị ứng, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào để tránh bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
5. Đau nhức xương khớp
Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động. Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.
6. Suy tim
Những người có bệnh lý về tim mạch thường bị lại vào giao mùa thu. Nguyên nhân là khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi khí hậu, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch, đặc biệt là suy tim.
7. Viêm xoang
Viêm xoang là căn bệnh khá phổ biến ở nước ta. Nhất là vào mùa thu, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng… Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang lại là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái nhất cho người bị bệnh.
Làm thế nào để phòng tránh bệnh hiệu quả khi thời tiết giao mùa
− Để phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa, các bạn cần bảo đảm chế độ ăn uống đủ dưỡng chất, giữ môi trường sống trong sạch và luyện tập thể thao thường xuyên để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh.
Uống nước thường xuyên, mỗi ngày từ 2 lít đến 2,5 lít/1 người để giúp thải độc, thanh lọc cơ thể. Đồng thời bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm hoặc thảo dược từ thiên nhiên như mật ong, trà xanh, nấm lim xanh… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa các loại bệnh tật.
– Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: Đặc biệt là vitamin C, A, kẽm. Trong đó, vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, dâu tây, rau cần, ớt xanh… Kẽm có nhiều trong thịt nạc, gan, lòng đỏ trứng, hàu… Vitamin A thì có nhiều trong cà rốt, thịt đỏ, đu đủ… Thực đơn cần cân đối giữa các nhóm dưỡng chất.
– Không thức hay làm việc quá khuya, ngủ đủ giấc 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
– Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng dịch theo mùa.
– Khi ra ngoài, cần đeo khẩu trang,đồng thời nhỏ thuốc sát trùng để tránh nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh để tránh bệnh có thể lây lan.